Publix – Công ty thuộc sở hữu của nhân viên lớn nhất thế giới

Ngày trước khi còn khởi nghiệp với DNXH Imagtor, trong tầm nhìn về một mô hình doanh nghiệp xã hội lý tưởng mình mong muốn xây dựng, tôi đã nhìn về viễn cảnh một doanh nghiệp tạo tác động xã hội với hiệu quả tốt nhất khi nền tảng sự phát triển của công ty đặt trọng tâm vào sự phát triển, tự chủ của nhân viên và các đơn vị vệ tinh hỗ trợ công ty. Mô hình doanh nghiệp đó, cơ bản và quan trọng nhất, biến chuyển tất cả nhân viên, cộng sự, tổ chức thụ hưởng, trở thành quản lý và chủ của doanh nghiệp. Việc cần làm là bắt đầu với một cấu trúc sở hữu cổ phần thuộc về tất cả các cá nhân và tổ chức, những con người xứng đáng đã và đang cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mô hình sở hữu cổ phần “Ai Cũng Có Phần” này, cùng với gói Employee Stock Ownership Plan (ESOP) tuy không phổ biến ở Việt Nam (nghịch lý khi Việt Nam là một quốc gia theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, tức cũng là “Ai Cũng Có Phần”), nhưng lại phổ biến và phát triển tới cả những hình thức sở hữu cổ phần có phần phức tạp, tại các công ty và quốc gia tư bản khác, đặc biệt tại Mỹ.

Trong bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu thêm về một Case Study áp dụng thành công chính sách sở hữu cổ phần ESOP, đó là tập đoàn bán lẻ tư nhân Mỹ, Publix – tập đoàn thuộc sở hữu của nhân viên lớn nhất Mỹ và có lẽ là lớn nhất trên thế giới.

Lịch sử của Publix

Chuỗi siêu thị Publix đi vào hoạt động từ năm 1930 bằng một cửa hàng tiện lợi nhỏ ở Winter Haven, bang Florida, sáng lập bởi George W. Jenkins. Ngày nay, Publix quản lý vận hành 1,171 siêu thị với hơn 188,000 nhân sự toàn-bán thời gian, đạt tổng doanh thu 34 tỷ USD năm 2017 (so với Walmart là 485.9 tỷ USD!) và cũng là công ty lớn nhất bang Florida. Thời điểm George W. Jenkins mở cửa hàng tiện lợi Publix, ông mới 23 tuổi nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ khi dành cả thời niên thiếu trong cửa hiệu tạp hoá nhỏ của gia đình, và 4 năm làm quản lý cửa hàng cho một chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn lúc bấy giờ.

Giai thoại kể rằng ông Jenkins đã quyết định mở cửa hàng và cạnh tranh với chính chuỗi cửa hàng tiện lợi ông đã từng quản lý sau buổi gặp bất thành giữa ông với ông chủ mới của chuỗi cửa hàng. Jenkins đã lái xe hàng trăm dặm tới văn phòng của ông chủ mới với hy vọng có thể trao đổi những ý tưởng phát triển cửa hàng của mình. Đáp lại hai tiếng lái xe và sự chuẩn bị chu đáo của Jenkins, người chủ mới đón nhận thông tin một cách hờ hững và từ chối gặp mặt. Tức giận, Jenkins viết ngay đơn xin nghỉ việc, trở lại Winter Haven ngay lặp tức, và bắt đầu kế hoạch mở một cửa hàng tiện lợi ngay kế bên cạnh tranh với cửa hàng cũ.

Với lòng quyết tâm, kinh nghiệm và tầm nhìn của mình, Jenkins đã thuyết phục thành công một vài đồng nghiệp cũ thân thiết sang làm cho cửa hàng mới của mình, tặng cổ phần và biến họ trở thành những đồng sở hữu của cửa hàng. Kinh tế Mỹ thập niên 30 đang lao đao trong cuộc đại khủng hoảng, hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, nhưng chỉ 3 năm sau, Jenkins và đồng sự đã bước đầu thành công khi việc khiến đối thủ cạnh tranh phải đóng cửa hoạt động. Và cũng từ đây, mở ra kỷ nguyên cho đế chế Publix. Jenkins tiếp tục miệt mài phát triển Publix cho tới khi ông mất vào năm 1996 cùng thành quả hơn 500 siêu thị Publix.

Triết lý của Jenkins – Publix

Cho tới cuối đời và ảnh hưởng kể cả sau khi mất, Georgle W. Jenkins đã dành tất cả tâm huyết để phát triển Publix với triết lý “People first” được phát triển bởi ông, cộng với tinh thần gắn kết cộng đồng của một người con miền Nam nước Mỹ; cụ thể, Jenkins coi cộng sự (associate chứ không phải nhân viên “employee”) là tài sản quý giá nhất của tổ chức, là những “người chủ” đích thực của công ty qua chương trình PROFIT (ESOP) (chương trình vẫn tiếp tục được nâng cấp phát triển khi ông qua đời): Publix sẽ trả thưởng, quy ra cổ phần tương đương với 8,5% tổng thu nhập của năm đó cho cộng sự có tối thiểu 1,000 giờ làm việc tại Publix. Số cổ phần sẽ được sở hữu bởi cộng sự hoàn toàn sau 3 năm làm việc. Chính sách cổ phần không áp dụng cho nhà đầu tư bên ngoài, và khi cộng sự đủ điều kiện và muốn bán số cổ phiếu mình nắm giữ, công ty Publix sẽ thu mua lại theo giá định hiện thời. Publix cũng trả cổ tức định kỳ hàng quý cho hàng trăm nghìn “người chủ” của công ty.

Ngoài gói PROFIT, chính sách về chế độ cho người lao động làm việc tại Publix cũng rất được khen ngợi. Công ty còn có một quỹ đầu tư riêng cho cộng sự (SMART plan), cùng với gói bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho các cộng sự sau khi nghỉ hưu. Gói bảo hiểm sức khoẻ của Publix cũng hấp dẫn và chất lượng hơn so với phần lớn gói bảo hiểm các tập đoàn khác đang dành cho nhân viên.

Việc trao quyền “làm chủ” cho hơn 180,000 cộng sự Publix chính là vũ khí bí mật của Publix để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh rất khắc nghiệt tại Mỹ. CEO hiện tại của Publix, Todd Jones, vươn lên vị trí cao nhất từ xuất phát điểm là một nhân viên siêu thị, được Publix phát hiện và nuôi dưỡng phẩm chất lãnh đạo qua việc gửi đi học tập tại đại học Cornell danh tiếng.

So sánh mức độ hài lòng của nhân viên, tổng quan và chính sách đãi ngộ của Publix so với đối thủ cạnh tranh lớn là Walmart và Kroger: theo website đánh giá doanh nghiệp Glassdoor.com, các chỉ số Publix (3.7 và 4.0) đều vượt trội hơn của Walmart (3.2 và 3.1) và Kroger (3.1 và 3.3). Cộng sự hài lòng và cam kết gắn bó và nỗ lực vì công ty: lợi nhuận công ty tăng đồng nghĩa với lợi ích về tài chính của các cộng sự.

Tại Publix, cộng sự được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, được toàn quyền quyết định và khích lệ sự sáng tạo trong các phương cách tiếp cận chăm sóc khách hàng, kết quả là đã tạo ra một chất lượng dịch vụ cực kỳ cao. Không hiếm nếu lướt qua review đánh giá Publix, ta thấy được những lời khen ngợi của khách hàng. Cộng với chất lượng sản phẩm được chú trọng và giá cả phải chăng, chuỗi siêu thị của Publix trở thành một điểm đến mua sắm của phần đông dân cư phía Đông Nam nước Mỹ, và cũng là niềm tự hào, báu vật của người dân bang Florida.

Mặt tối của Publix

Giống như các công ty lớn khác tại Mỹ, Publix không phải sạch bóng khỏi những chỉ trích nhằm vào công ty. Các nhóm vận động quyền lợi cho nông dân từ lâu đã chỉ trích và tẩy chay Publix vì công ty không thoả hiệp tham gia chương trình Fair Food Program. Fair Food Program là một chương trình vận động chính sách nhằm cải thiện điều kiện lao động, chế độ lương thưởng cho nông dân (chủ yếu là người nhập cư, da màu và Mỹ La Tinh) trong ngành nông nghiệp trồng trọt Mỹ. Ngoài các mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về chuỗi thực phẩm, Fair Food Progam còn hướng tới việc vận động thuyết phục các tập đoàn thực phẩm, bán lẻ (các tập đoàn chi phối chuỗi thực phẩm) tham gia chương trình. Walmart, Mc Donald, Taco Bell và một số chuỗi siêu thị thực phẩm, đồ ăn nhanh đã nhượng bộ và cam kết cải thiện tình hình thông qua việc trả giá và áp đặt cao hơn đối với các đối tác, chủ lao động nông sản. Tuy nhiên Publix vẫn từ chối tham gia chương trình, lấy lý do hiện tại tập đoàn vẫn đang tuân thủ hoàn toàn pháp luật bang Florida, và các vấn đề liên quan tới quyền lợi, điều kiện lao động, chế độ cho người nông dân khó có thể chịu tác động bởi Publix, mà là vấn đề giữa các chủ trang trại với người nông dân.

(Có một bộ phim rất hay về thực trạng của chuỗi thực phẩm, về vai trò và trách nhiệm của các tập đoàn bán lẻ sừng sỏ trong việc áp đặt và định hướng như thế nào đối với Food Chain)

Mới đây, vào tháng 2/2018, tờ Miami New Times đưa tin một cựu nhân viên Publix, Jan Pastran – một người đồng tính – kiện Publix về việc công ty sa thải anh khi trong thời gian làm việc, anh đã phản ánh các hành vi kì thị người đồng tính của một số đồng nghiệp và quản lý dành cho anh. Trước đó, một số cộng sự hiện tại và cựu Publix, cùng các nhóm hoạt động cho bình đẳng giới, cũng đã lên tiếng vì chính sách anti-gay của công ty Publix: phân biệt đối xử kì thị, không công nhận gói hỗ trợ bảo hiểm cho các cặp đôi gay… Publix hiện tại chưa có các hành động cụ thể để đáp lại các cáo buộc này.

Một số tờ báo cũng chỉ trích việc gia đình nhà sáng lập Jenkens có tư tương bảo thủ và đã ủng hộ tiền cho các ứng viên phái bảo thủ; và kết luận Publix sẽ khó có thể cởi mở hơn trong các vấn đề nhạy cảm này trong thời gian tới. Hiện gia tộc nhà Jenkens vẫn sở hữu 20% cổ phần tại Publix (80% còn lại thuộc về cộng sự hiện tại và đã nghỉ hưu!) nhưng vẫn nắm nhiều quyền chi phối các quyết định và chiến lược của công ty.

Tương lai của Publix

Sau sự kiện đình đám thâu tóm chuỗi siêu thị thực phẩm organic Whole Foods (hiên tại có 30 cửa hàng tại Florida), Amazon đã chính thức gia nhập thị trường bán lẻ và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp đáng gờm của Publix. Walmart cũng đang nhăm nhe gia tăng tầm ảnh hưởng của mình tại Florida, nơi được coi là thủ phủ khó có thể lật đổ của Publix, với sự hiện diện của 377 cửa hàng siêu thị, so với 781 của Publix.

Tuy nhiên Publix vẫn tự tin với tương lai phát triển với chính sách cẩn trọng của mình. Nhóm quản lý tại Publix hiểu rằng dịch vụ và chất lượng tốt nhất không còn là lợi thế cạnh tranh của Publix, nên Công ty đã bắt đầu có những chuyển dịch tích cực trong chiến lược phát triển:

  1. Xu hướng Omnichannel tất yếu với việc đầu tư vào kênh và các dịch vụ e-commerce của hãng, với nhiều chương trình khá sáng tạo;
  2. Publix cố gắng đón đầu công nghệ, giống như founder Jenkens đã từng làm với việc lắp điều hoà trong cửa hàng Publix đầu tiên (cũng là cửa hàng có điều hoà đầu tiên tại bang Florida), bằng việc đầu tư vào các công nghệ bền vững xanh và tối ưu vận hành tại các cửa hàng (xem thêm: https://sustainability.publix.com/);
  3. Nguồn tài chính dồi dào và chỉ số debt-to-equity thấp giúp Publix có động lực để đẩy mạnh đầu tư trong mảng bất động sản: mua và cải tạo các mảnh đất đặt cửa hàng Publix, và dùng chính sách này để lấn dần sân sang các khu vực và bang lân cận.

Chặng đường chắc chắn sẽ còn rất dài và vô cùng thách thức đối với Publix cũng như với những cộng sự và khách hàng thân thiết. Nhưng sự lạc quan hiện tại của cộng sự Publix, niềm kiêu hãnh và niềm tin của khách hàng dành cho chuỗi siêu thị có lịch sử hơn 80 năm gắn liền với tuổi thơ của họ, cộng với hy vọng tập đoàn có thể cởi mở hơn trong các vấn đề đồng tính và equaliy for farmers, khiến tôi cũng có cơ sở lạc quan khi nhìn về tương lai của Publix.

Good luck, Publix!

updatedupdated2020-04-282020-04-28